Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng – những vị vua đầu tiên của dân tộc. Cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người ta lại nhắc nhở nhau rằng:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba.”
Tìm hiểu về ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương
Nguồn gốc Giỗ tổ Hùng Vương
Theo truyền thuyết dân gian, Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, bọc trăm trứng nở ra một trăm người con – chính là tổ tiên của người Việt. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Lạc Long Quân phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi làm vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú ). Trải qua 18 đời vua Hùng, đã xây dựng nên một nền tảng dân tộc, nền tảng văn hóa Việt và truyền thống yêu nước. Từ đó, đã sinh ra một dân tộc Việt Nam anh hùng – một dân tộc chưa từng biết cúi đầu khuất phục trước bất kỳ một tên giặc ngoại xâm nào.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa; đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 đã chọn ngày 11 và 12 tháng 3 Âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2; nhà vua chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở người dân Việt Nam cùng tưởng nhớ, thờ cúng Tổ tiên. Ngày 10 tháng 3 trở thành ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc. Giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi Tổ chức UNESCO công nhận: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ý nghĩa Giỗ tổ Hùng Vương
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày hội chung của toàn dân; ngày mà mọi người quay về với cội nguồn; tưởng nhớ đến công lao của các vị vua Hùng đã có công dựng và giữ nước. Trong ngày này, nhân dân cả nước sẽ tham gia vào các hoạt động văn hóa để thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng và các bậc tiền nhân. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm tới việc thờ cúng các vị Vua Hùng; cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng; đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ. Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
>>> Xem thêm: Nguồn gốc ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch
Ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương cúng gì?
Trong ngày này, nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh được tổ chức ở đất tổ Phú Thọ và khắp cả nước. Không chỉ tại đền Hùng mà tại các gia đình; nhiều người cũng chuẩn bị lễ cúng tươm tất để tưởng nhớ các vua Hùng.
Theo Bộ Văn hóa, hướng dẫn nghi thức tưởng niệm ghi rõ lễ phẩm bao gồm:
- Bánh giầy 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng).
- Bánh chưng 18 chiếc.
- Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
Bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, thường không nhân. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, có nhân mặn. Lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương ở các địa phương gần như giống nhau; đều gồm: Xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng, bánh dày, gà luộc, thịt lợn đen. Nhiều gia đình ở xa, không có điều kiện đến lễ hội đền Hùng để tham gia nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương; sẽ thường tổ chức lễ Giỗ tổ tại nhà với tấm lòng hướng về nguồn cội; tri ân công lao của các Vua Hùng.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương đang đến rất gần chúng ta. Đó không chỉ là ngày hội tụ của cả dân tộc; mà còn là ngày để chúng ta – mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi; và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Truy cập đường dẫn để xem thêm nhiều Tin tức của Kinhtedautu.vn bạn nhé!!!
Có thể bạn sẽ quan tâm: